Tháng Chạp - làng mứt gừng Kim Long vào mùa
(Vận tải ô tô) - Khi đi ngang qua phường Kim Long, ai ai cũng cảm thấy mùi vị cay nồng, thơm con của hàng chục hộ dân làm mứt gừng nơi đây. Cứ đến tháng Chạp âm lịch, người dân Kim Long (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại đỏ lửa nhộp nhịp bước vào mùa sản xuất mứt gừng phụ vụ Tết Nguyên đán.
Mẻ mứt gừng tươi cay thơm nồng.
Như thường lệ, gần đến ngày Rằm tháng Chạp, ở làng Kim Long, hầu như nhà nào cũng làm mứt gừng, nguyên liệu để làm mứt được tập kết đầy nhà nào củi, củ gừng tươi, đường… Lò làm mứt đỏ lửa suốt ngày để cho ra những mẻ mứt kịp cung cấp trên thị trường Huế và các địa phương trong Nam ngoài Bắc. Những tiếng củi cháy tí tách, tiếng cười nói râm ran, bao âm thanh sôi động đó chỉ có ở làng mứt gừng Kim Long vào dịp Tết.
Giữa muôn vàn loại mứt được bày bán, ngày Tết cổ truyền, chắc hẳn không thể thiếu mứt gừng, nhưng giữa vô vàn loại mứt gừng của ba miền, mứt gừng Huế vẫn là một thương hiệu đặc biệt, với hương vị không nơi nào sánh được. Mứt gừng Kim Long được chế biến với bí quyết riêng của những người thợ làng nghề truyền thống, từ tỷ lệ đường đến thời gian nấu. Đặc biệt, gừng được làm trắng bằng nguyên liệu tự nhiên như chanh và quất, không dùng phẩm màu, không chất bảo quản nên cho thành phẩm là những miếng mứt gừng mỏng, vàng tự nhiên, cay cay, ngọt ngọt và rất giòn.
Những củ gừng được cạo sạch trước khi đưa vào chế biến.
Để chọn lọc được những lát mứt gừng thơm ngon, màu vàng ương, cay cay tự nhiên, người dân phải cẩn thận trong từng giai đoạn làm mứt. Tất cả các công đoạn như: chọn gừng, tạo thành lát hay rim đường cũng đều cẩn trọng. Những củ gừng ở đây được khai thác từ vùng Kim Long (ngã ba Tuần), ngay lúc thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, người dân chuyên nghề làm mứt đã kéo nhau lên khu vực Tuần (thuộc địa bàn xã Hương Thọ) để tìm kiếm những củ gừng chất lượng. Gừng phải đảm bảo đúng gừng gốc Huế, tuy không to nhưng lại có mùi thơm và độ cay ngon không nơi nào có được.
Có mặt tại nhà ông Trương Đình Thử (74 tuổi, đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP Huế), chúng tôi có thể không khó để nhận ra một không khí tất bật, khẩn trương ở đây, mỗi người ai ai cũng làm những công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự tập trung cao người thì rửa sạch gừng, người thì thái lát củ gừng, người rim mứt gừng, người đóng gói mứt gừng...
Củ gừng được bào thành từng miếng nhỏ trước khi rim với đường.
Ông Thử chia sẻ với chúng tôi: "Để hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh, làm mứt gừng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ củ gừng sau khi gọt vỏ, bào mỏng, rửa sạch rồi ngâm nước vo gạo. Ngay sau đó, tiến hành đun nước luộc gừng cho vào một ít chanh, không nên luộc quá kỹ, để ráo nước, theo tỷ lệ một kg đường và một kg gừng. Sau khi trộn xong thì để ngấm khoảng một giờ rồi cho lên chảo để rim. Trong đó, khâu quan trọng nhất vẫn là rim mứt, quá trình rim mứt, phải đảo cho đều tay nếu không gừng sẽ bị cháy. Mứt gừng sau khi rim xong sẽ đổ ra một cái khay lớn có lót giấy ở trên để nguội rồi đưa vào đóng gói, đưa đến thị trường". Hiện nay trên địa bàn phường Kim Long chỉ còn khoảng 20 hộ với truyền thống nghề làm mứt gừng, mỗi kg mứt gừng dao động từ 55.000 - 70.000 đồng.
Việc thu nhập không cao dẫn đến tình trạng làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, nhưng đâu đó vẫn giữ được nét văn hóa xưa của người dân Cố đô Huế trong dịp Tết Nguyên đán.
Mứt gừng Kim Long được biết đến là một loại mứt hảo hạng, được chế biến hoàn toàn thủ công và có một hương vị đặc trưng rất Huế. Đây cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Lê Ngọc/VTOTO